“Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Phân tích cảnh tượng Huấn Cao cho chữ và nêu ý nghĩa của cảnh tượng đó trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

1. Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại Nguyễn Tuân là một tác gia lớn, một cây bút tài hoa độc đáo. Lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân là luôn hướng tới cái đẹp cái cao cả và đề cao tôn vinh cái đẹp cái cao cả đó, đặc biệt là cái đẹp và cái cao cả của con người và văn hoá Việt Nam. Tập truyện “Vang bóng một thời” 1940 là một minh chứng hùng hồn cho lý tưởng thẩm mỹ này của Nguyễn Tuân. Trong tập truyện “Vang bóng một thời” thì truyện ngắn “Chữ người tử tù” là tác phẩm đặc sắc nhất. Truyện đã ca ngợi sự chiến thắng sự bất tử của cái đẹp, cái cao cả hiện thân qua nhân vật Huấn Cao. Đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ đã khắc chạm được một tượng đài chiến thắng của cái đẹp mà tượng đài của cái đẹp này đã toả rạng được nhiều ý nghĩa nhân sinh.

2.a. Truyện ngắn xoay quanh hai nhân vật chính là Huấn Cao và viên quản ngục. Huấn Cao là một nho sĩ tài danh nay chỉ còn vang bóng, còn viên quản ngục là một người say mê chữ đẹp của ông Huấn Cao đang tìm mọi cách để xin chữ. Họ gặp nhau trong một hoàn cảnh oái oan đó là nhà tù. Về bình diện xã hội họ là hai kẻ đối lập nhưng về bình diện nghệ thuật họ là hai kẻ tri âm. Huấn Cao vốn tính rất “khoảnh” không cho chữ những kẻ làm nghề “tàn ác lừa lọc” như viên quản ngục, thế mà việc cho chữ lại diễn ra. Huấn Cao cho chữ viên quản ngục không phải là sự dâng nộp báu vật của kẻ bị trị trước kẻ thống trị mà là sự đáp lại của một tấm lòng trước một tấm lòng. Và cảnh cho chữ đã diễn ra là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

Không gian cho chữ rất đặc biệt đó là trong buồng giam “chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạn nhện đất bừa bãi phân chuột phân gián” và “một bó đuốc tẩm dầu rọi trên ba đầu người đang chăm chú trên tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”.

Cảnh cho chữ diễn ra cũng là một cảnh rất đặc sắc “có một người cổ đeo gông chân vướng xiềng đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Trong khi đó những kẻ xin chữ là viên quản ngục và thầy thơ lại thì “khúm núm run run”. Hình ảnh người tử tù cho chữ đã nổi bật uy nghi lồng lộng trong không gian cho chữ còn những kẻ đại diện cho trật tự xã hội lại cúi rạp trước kẻ tử tù đang đeo gông xiềng. Điều đó cho thấy cái ác không còn thống trị mà cái đẹp đã lên ngôi.

Đặc biệt nhất của cảnh tượng cho chữ là lời khuyên của Huấn Cao. Sau khi cho chữ Huấn Cao đã đỡ viên quản ngục đứng dậy mà phán truyền dạy bảo “ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy quản nên thay đổi chốn ở đi, thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi mới nghĩ đến chuyện chơi chữ, ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững”. Lời khuyên bảo của Huấn Cao như lời của đấng bề trên, như là ánh sáng của bó đuốc xua tan bóng tối trong buồng giam, viên quản ngục đã đượ khai tâm, đã ngộ ra và khâm phục khẩu phục. Viên quản ngục đã cảm động nghẹn ngào mà thưa rằng “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Thái độ của viên quản ngục là biểu hiện của sựu quy phục quy hàng trước cái thật, cái đẹp mà hiện thân là ông Huấn Cao.

b. Đoạn văn tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ là một quần sáng nghệ thuật toả rạng nhiều ý nghĩa của truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

Cảnh cho chữ không phải là cảnh trao nộp báu vật mà là cảnh truyền trao ánh sáng của một khối sao băng, ánh sáng của một nhân cách được giữ trong từng nét chữ để truyền lại cho đời. Cảnh tượng này thể hiện cái đẹp được truyền trao lại và đi vào bất tử cũng có nghĩa là Huấn Cao không chết, Huấn Cao đã đi vào bất tử.

Cảnh tượng Huấn Cao cho chữ là hình ảnh của sự lên ngôi làm chủ của cái đẹp. Cái đẹp, cái cao cả thì dù ở trong hoàn cảnh nào nó cũng vượt lên chiến thắng. Cái tàn ác thấp hèn thì dù sớm hay muộn cũng cuối rạp bị khuất phục trước cái đẹp cái cao cả.

Lời khuyên của ông Huấn Cao trước viên quản ngục đã hàm chứa một triết lí nhân sinh: không chấp nhận cái đẹp sống chung sống lẫn lộn với cái ác.

3. Với nghệ thuật xây dựng hình ảnh đối lập một cách nhuần nhuyễn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa viên quản ngục voíư Huấn Cao. Nhà văn đã khắc chạm được một tượng đài về sự chiến thắng của cái đẹp, về sự hoá thân của cái đẹp. Đoạn văn tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ là một đoạn văn góp phần quyết định làm nổi bật chủ đề ý nghĩa truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

Bình luận về bài viết này